Nhắc nhẹ mọi người mùa lá đỏ sắp đến rồi đó. Won thì đang rẻ. Tổng cục du lịch Hàn Quốc cũng đang tạo nhiều thuận lợi cho lữ khách quốc tế. Vậy còn chờ chi mà không đi.
Bài viết review về chuyển du lịch Hàn Quốc của chàng trai lần đầu xuất ngoại, lần đầu được chạm tới giấc mơ Hàn Quốc của mình. Là những cung bậc cảm xúc, những câu chuyện về gia đình, về tình cảm cá nhân của chính bản thân mình.
Những câu chuyện đều có sự gắn kết chặt chẽ với Hàn Quốc. Tuy không phải là một bài review chi tiết về lịch trình, không đầy đủ về trải nghiệm nhưng mong rằng bài viết của mình phần nào giúp bạn hiểu hơn, có cái nhìn đa chiều hơn và có thêm nguồn cảm hứng cho chuyến đi Hàn Quốc trong tương lai.
Lần đầu tiên xuất ngoại bạn lựa chọn điểm đến nào? Thái Lan hay Singapore. Tất nhiên đa số mọi người sẽ lựa chọn những quốc gia cùng khu vực, lý đó vì sao chắc mình không cần giải đáp bạn cũng biết câu trả lời rồi. Với mình thì lần đầu tiên xuất ngoại mình lựa chọn….Hàn Quốc.
Bạn không đọc nhầm đâu, mình cầm một tấm hộ chiếu trắng chưa in một dấu mộc nào để xin visa vi vu Hàn Quốc. Mình có hơi liều lĩnh, táo bạo không? Xin trả lời luôn là có. Chuyến đi đầu tiên mà, mình thích những cảm giác khác lạ, những trải nghiệm khác biệt với mọi người.
Vì vậy hành trình đầu tiên của mình sẽ phải rất khác so với số đông. Một lý do nữa mà mình lựa chọn Hàn Quốc đó là xuất phát từ câu chuyện của gia đình mình. Bố mẹ mình từng lao động ở Hàn Quốc hơn 10 năm và hai đứa em gái mình cũng đón những ánh nắng đầu đời tại Seuol.
Tuổi thơ dữ dội của mình là Hàn Quốc qua những tấm hình của bố mẹ. Qua những bức hình đó mình cảm thấy thân quen, gần gũi và yêu mến quốc gia này từ khi nào mình cũng không hay. Tuy chưa từng sống tại Hàn Quốc nhưng thời thơ ấu của mình đã gắn bó gián tiếp với xứ sở này. Ước mơ được đặt chân tới nước Hàn xa xôi được nung nấu từ đó. Vậy nên nhất quyết quốc gia đầu tiên mình tới phải là Hàn Quốc.
Nói là làm, mình nộp cuốn hộ chiếu xanh với ý chí ngút trời. Thời gian chờ đợi Visa với nhiều cảm xúc lẫn lộn, đan xen. Vui có, hứng khởi có và lo lắng, bồn chồn, hồi hộp, mong ngóng cũng có. Cảm giác đợi chờ như ngóng điểm thi vậy. Đôi khi lo lắng phải tự trấn an bản thân: “trượt thì lần sau lại nộp tiếp, lo gì”.
Và cuối cùng trời không phụ lòng người, trước ngày bay khoảng 1 tuần tấm visa Hàn Quốc nằm chễm chệ trên mặt hộ chiếu của mình. Cảm xúc lúc đó của mình … chắc bạn biết thế nào rồi. Vỡ oà trong sung sướng, còn hơn cả nghe tin đỗ đại học vậy. Cuối cùng thì mình đã tiến gần hơn tới ước mơ Hàn Quốc ấp ủ bất lâu nay.
Ngồi chuyến bay tới xứ sở Kim Chi. Tuy là chuyến bay đêm nhưng mình không tài nào chợp mắt được. Một phần vì háo hức và một phần vì lo lắng, hồi hộp. Tất nhiên mình cũng có tâm lý chung của lần đầu xuất ngoại như mọi người thôi. Liệu mình có được nhập cảnh không? Có bị hải quan làm khó hay “bị mời” vào phòng kín phỏng vấn không? Đã mất tiền mua vé, đặt phòng, xin visa rồi, mà bị trục xuất về nước thì xót tiền quá. Chắc không vấn đề gì đâu, mình có booking, vé khứ hồi chứng minh được mục đích du lịch chính đáng mà, chắc họ sẽ cho mình qua thôi. Vừa lo lắng vừa phải tự trấn an bản thân. Và thật may, mọi chuyện đều diễn ra suôn sẻ.
Đặt chân tới Incheon, sân bay quá lớn so với tưởng tượng của mình. Mới bước xuống cũng không tránh khỏi bỡ ngỡ, lóng ngóng trong việc tìm lối đi. Nhưng cũng không quá đáng ngại. Mình đi theo hướng mũi tên, đi theo dòng người và lên được tàu điện để đi tới khu vực nhập cảnh.
Là lần đầu tiên mình được ngồi tàu điện ngầm đó. Sau này, dù đã ngồi được kha khá tàu điện của nhiều quốc gia nhưng có lẽ trải nghiệm đầu tiên về tàu điện ngầm tại xứ sở Kim Chi vẫn là một ký ức đẹp, in dấu trong mình.
Xuống tàu và tiếp tục đi theo dòng người, sau cùng mình cũng tới khu vực nhập cảnh. Từng hàng dài nối đuôi, đông như mắc cửi cùng xếp hàng vì một dấu mộc. Tuy lượng người nhập cảnh khá đông nhưng nhân viên hải quan Hàn Quốc làm việc khá nhanh nên cũng không mất quá nhiều thời gian.
Và vẫn có không ít những trường hợp bị từ chối nhập cảnh và “được mời” vào phòng kín phỏng vấn. Dĩ nhiên mình vẫn lo lắng rồi. Và khi mình qua được cửa hải quan cảm giác lo lắng đó mới thực sự tan biến. Con dấu nhập cảnh đầu tiên được cộp lên tấm hộ chiếu. Thở phào nhẹ nhõm. (Tất nhiên khi nhập cảnh mình cũng bị hải quan hỏi một số câu hỏi và yêu cầu mình show vé khứ hồi, booking khách sạn, kế hoạch du lịch).
Những điều lo lắng cuối cùng cũng qua. Mình đã đặt chân tới lãnh thổ Hàn Quốc, là sự thực chứ không còn là mơ nữa. Chuyến đi đầu tiên thuận lợi hơn mong đợi rồi.
Thực ra mình cũng từng dự định bài viết đầu tiên của blog sẽ viết về những bước chân đầu tiên. Nhưng cũng không hiểu vì sao nữa, mình lại lui lại. Có lẽ hành trình đầu tiên nên viết vào một dịp kỷ niệm nào đó sẽ thú vị hơn viết vào một ngày thông thường. Vậy là mình viết về Hàn Quốc đúng ngày tròn 2 năm kỷ niệm lần đầu xuất ngoại. Những điều đặc biệt đều dành trọn cho chuyến đi đầu tiên.
Kể về lần đầu ra khỏi ao làng, mình nên kể những gì và kể từ đâu nhỉ? Mình sẽ kể tuần tự theo mạch cảm xúc nhé, nhớ trải nghiệm nào trước mình sẽ kể trước.
Tản mạn về con người Hàn Quốc.
Mình không biết tiếng Hàn và người Hàn Quốc cũng khá ít người có thể giao tiếp bằng tiếng Anh. Trong suốt mấy ngày ở Seoul phần lớn mình giao tiếp với người bản địa bằng body language. Nhưng qua tiếp xúc, cùng với những lời kể trước đó của bố mẹ, mình cũng phần nào hiểu về những con người của xứ sở Kim Chi.
Là một đất nước phần lớn là địa hình đồi núi. Thiếu thốn tài nguyên nhưng cũng không hẳn là không có. Con người chính là nguồn tài nguyên vô tận. Khoản đầu tư đúng đắn nhất của người Hàn đó chính là đầu tư cho con người, đầu tư cho giáo dục. Cũng bởi vậy nên những ngành nghề có thể xem là hái ra tiền của xứ Hàn có thể kể tới như: giáo viên, bác sĩ phẫu thuật thẩm mĩ….
Con người Hàn quốc làm việc rất khoa học, tác phong nhanh nhẹn. Với những bạn trẻ Hàn Quốc thì việc được học trong những ngôi trường danh tiếng, làm việc trong những tập đoàn lớn như Sam Sung, LG là một niềm tự hào rất rất lớn.
Con người Hàn Quốc được rèn giũa tính kỷ luật, ý thức tự lập từ rất sớm. Khi những bạn trẻ Hàn Quốc đủ 18 tuổi, bước chân vào cánh cổng Đại Học, thì lúc đó gia đình không cần chu cấp cho các bạn ấy nữa. Chính phủ Hàn Quốc sẽ tạm ứng cho bạn một khoản tiền để bạn trang trải học phí, duy trì cuộc sống sinh viên trong suốt quá trình học. Và tất nhiên khi kết thúc khoá học, bắt đầu kiếm những đồng tiền đầu tiên thì những bạn trẻ đó phải có trách nhiệm hoàn trả lại cho chính phủ số tiền đó.
Ý thức được trách nhiệm với bản thân của con người Hàn Quốc được hình thành từ rất sớm. Nhưng điều gì cũng sẽ có hai mặt tốt và không tốt luôn đi đôi. Là một quốc gia với nền giáo dục vượt bậc, đầu tư khá nhiều vào con người. Vì vậy nên yêu cầu đòi hỏi về trình độ, học vấn, chuyên môn cũng khá khắt khe, kéo theo những áp lực lớn trong học tập, công việc.
Điều này vô tình tạo sức ép lên rất nhiều người. Cũng chính vì nguyên nhân này mà căn bệnh trầm cảm trở nên khá phổ biến tại Hàn Quốc. Tới Seoul bạn sẽ nhận thấy mỗi một quận sẽ cách nhau bởi một cây cầu. Và những cây cầu đó chính là nơi những con người trầm cảm, bế tắc chọn giải pháp gieo mình xuống dòng sông Hàn để giải thoát cho bản thân. Trước thực trạng đó chính phủ Hàn Quốc đã giăng những tấm lưới ngay dưới chân cầu để cứu vớt những con người bế tắc đó. Cũng là câu chuyện liên quan tới những áp lực cuộc sống của người Hàn.
Thông thường người Việt mình sẽ có quan điểm “thứ 7 máu chảy về tim”. Nhưng với người dân Hàn Quốc thì tối ngày thứ 6 sẽ là buổi tối thoải mái nhất trong tuần của họ. Những phòng sinh hoạt chung, phòng xông hơi đều phủ kín người. Những quán bia, nhà hàng, khu mua sắm không khi nào bớt nhộn nhịp. Những phòng hát karaoke tự động cũng hoạt động hết công suất. Đi bộ qua những khu phố ẩm thực bạn sẽ bắt gặp khá nhiều người Hàn với tình trạng lâng lâng trong cơn say, bước đi không vững hay thậm chí là nằm bệt luôn ra đường.
Và việc hộ tống những người say này về đến nhà sẽ là nhiệm vụ của những anh cảnh sát. Họ sẽ tra địa chỉ trên thẻ công dân của những người này và gọi giúp taxi đưa những người này về nhà. Người Hàn phần lớn chi tiêu qua thẻ vì vậy nên vấn nạn móc túi trên đường gần như không xảy ra, cho dù người đó có say xỉn nằm dài trên vỉa hè. Có thể nói đó là buổi tối mà người Hàn được phép buông thả một chút, được phép làm hư bản thân một chút.
Những căng thẳng, mệt mỏi cũng theo đó mà tan biến đi và họ lại chào đón một tuần mới trong hứng khởi. Người Hàn phong thái lịch thiệp, tự tin nhưng nếu để ý kỹ bạn sẽ thấy họ có nét hơi lạnh lùng. Nhưng đó chỉ là cảm quan bề ngoài của mình thôi. Mình cũng không có ý đánh đồng hay vơ đũa cả nắm cả. Xứ sở này có rất nhiều con người thân thiện, mến khách và sống tình cảm vô cùng. Mình xin kể câu chuyện về vợ chồng bác chủ xưởng may của bố mẹ mình.
Không hề tồn tại khoảng cách giữa ông bà chủ người Hàn với nhân viên ngoại quốc. Hai bác coi bố, mẹ mình như người trong nhà. Ngày mẹ mình mổ ruột thừa, dù công việc bận bịu nhưng gia đình bác vẫn từng người thay phiên nhau túc trực, chăm sóc mẹ mình ở bệnh viện. Và khi bố mẹ mình quyết định về Việt Nam, cũng phải rất khó khăn để nói lời tạm biệt với hai bác. Người Hàn cũng rất chú trọng tới vấn đề sức khỏe, nhu cầu làm đẹp, thẩm mĩ. Bước đi trên đường phố Seoul bạn sẽ rất khó có thể bắt gặp những cô gái, những người phụ nữ bước ra đường mà quên không trang điểm. Gần như là hiếm có, khó tìm.
Làng cổ Bukchon.
Ngôi làng cổ nằm dọc theo sườn đồi, với về dày hơn 600 năm lịch sử. Một nơi cổ nhưng không “cũ”. Từng là nơi ở của quan lại, quý tộc thời Joseon. Một nơi rất đậm chất Hàn Quốc. Những ngôi nhà tại đây được xây theo lối kiến trúc Hanok.
Dưới những mái nhà nhỏ xinh là quầy lưu niệm, là quán trà, là những cửa hiệu bán và cho thuê hanbok. Khi ánh chiều tàn, ánh nắng dần ngả màu trên những nếp nhà cổ. Đứng từ trên góc đồi cao của ngôi làng ngắm nhìn thành phố bên dưới thật đẹp, thật mộng mị. Nếu bạn muốn sở hữu những bức hình đậm chất xứ Hàn thì còn ngần ngại gì mà không thuê một bộ Hanbok ngay trước lối vào với giá khoảng 10.000 đến 13.000 won. Buckchon chính là góc Hàn Quốc đầy hoài cổ mà bao du khách nước ngoài tới Seoul muốn kiếm tìm.
Cách di chuyển
Ga Anguk, exit 2 rồi đi thẳng khoảng 400m.
Chuyện những chiếc ô trong suốt.
Mình tới Seoul vào đúng mùa mưa. Theo như nhận xét của mọi người thì thời điểm này có phần kém sắc hơn những mùa khác trong năm. Nhưng cũng không nên vì điều này mà để tâm trạng ủ dột, nhuốm màu theo cơn mưa. Đi Hàn mùa này, mình mới may mắn được ngắm những chiếc ô trong suốt di động trong màn mưa.
Sau này đi được thêm Tokyo, được ngắm những chiếc ô trong cùng đồng loạt phất lên tại ngã tư Shibuya như những cánh bướm thủy tinh nhưng có lẽ những chiếc ô mình thấy trên quốc gia đầu tiên “xuất ngoại” vẫn là một ký ức đẹp cho thanh xuân của mình. Những cơn mưa seoul thường đến bất chợt. Trời đang xanh trong, hửng nắng bỗng trở mặt nhanh trong chớp nhoáng, gió nổi lên, mây đen vần vũ và đổ mưa không thương tiếc. Đường lớn, tìm chỗ trú mưa không phải dễ. Lúc đó thì chỉ còn nước giăng áo lên và chạy nhanh tới ga tàu điện. May mắn hơn thì bạn có thể tìm được một sạp tạp hóa nhỏ bán mấy chiếc ô trong suốt rất rẻ.
Dưới bóng ô đó là những cặp bạn trẻ nắm tay nhau cùng đi trong cơn mưa và cùng ngước lên nhìn bầu trời phía trên đang dần xanh trở lại. Những khoảnh khắc này thật sự “rồ man tích” đúng không? Dĩ nhiên với một người độc bước dưới cơn mưa như tôi thì cũng không tránh khỏi chạnh lòng. Có một bàn tay cùng đan ngón vào tay mình và cùng bước đi dưới cơn mưa lạnh thật sự ấm áp biết nhường nào.
Suối Cheonggyecheon.
Con suối dài hơn 10km chảy len lỏi qua trung tâm Seoul nên bạn có thể dễ dàng trông thấy dòng suối ở bất cứ đâu. Từng bị san lấp trong suốt 47 năm ròng rã nhưng đến năm 2005 nó được khơi thông trở lại dựa trên đề án của ngài thị trưởng lúc bấy giờ là Lee Myung- bak.
Thả bộ dọc theo bờ suối là một trải nghiệm tuyệt vời. Người Hàn thường xem đây là một trong những cách thư gian tốt nhất sau một ngày mệt mỏi. Con suối chứng kiến biết bao thăng trầm của Seuol trong lịch sử. Cheonggyecheon cũng là nhân chứng cho những cuộc dạo bộ đêm hè của những bạn trẻ Hàn với người thương. Họ nhẹ nắm tay, cùng bước đi, cùng nghe tiếng nước chảy róc rách, tiếng cây cối rì rào, không cần trò chuyện với đối phương quá nhiều, chỉ đơn giản là ngắm nhìn và cảm nhận nhịp thở của con suối mùa hè. Dòng suối cũng chính là nhân chứng cho những lần ném nhẫn đôi xuống nước của nhiều cặp tình nhân.
Cách di chuyển
Vì dòng suối dài hơn 10km nên có rất nhiều cách để bạn tới nhưng nhanh nhất là từ quảng trường Gwanghwamun (người Hàn thường tới đoạn suối này ngâm chân vào mùa hè) hoặc bạn có thể tới Dongdaemun là sẽ nhìn thấy ngay (khúc suối này thì đừng dại mà ngâm chân nhé vì có nhiều cá nên sẽ rất tanh)
Em ơi đi Hàn Quốc cùng anh – Mình lên Namsan treo móc trái tim xanh.
Tới Namsan tôi đã nghĩ vu vơ và mộng mơ như vậy đó. Đến Seuol thì không thể bỏ qua Namsan. Một ngọn núi lý tưởng để phóng tầm nhìn thưởng ngoạn toàn cảnh thành phố. Trên đỉnh núi là tòa tháp truyền hình Namsan, là biểu tượng của thành phố. Một điều thú vị mình khám phá được là sắc đèn của tháp Namsan sẽ thay đổi theo độ sạch của không khí Seoul.
Đèn có màu xanh dương khi không khí rất tốt (thường sau những cơn mưa như buổi chiều ngày mình tới), màu xanh lục khi không khí bình thường và màu đỏ khi không khí ô nhiễm. Mùa đẹp nhất để lên Namsan là mùa xuân hoa anh đào nở dọc hai bên sườn núi và mùa thu nhẹ nhàng với rừng lá đỏ ôm trọn lối đi.
Thời khắc đẹp nhất trong ngày để lên Namsan là khi hoàng hôn buông. Vì khi đó bạn sẽ được ngắm nhìn Seoul dần lên đèn và những cặp tình nhân e thẹn trao nhau chiếc hôn lên má. Đó là khoảnh khắc đẹp và cũng khiến những người độc bước như tôi cảm thấy trống trải, cô đơn. Tôi bất chợt nhớ về “người ấy lúc đó”.
Người ta lên Namsan cũng một phần vì muốn” khóa móc tình yêu” trên lan can quanh tháp mong rằng hạnh phúc lứa đôi sẽ luôn bền chặt tới cuối con đường. Tôi có mua một ổ khóa “trái tim xanh” và dư định khi về Việt Nam sẽ cùng người đó khắc tên rồi chờ một dịp nào đó 2 đứa sẽ cùng khóa móc. Có thể là Namsan cũng có thể là một nơi nào đó. Đâu cũng được, không quan trọng. Điều quan trọng là hai đứa luôn có nhau. Nhưng chuyện gì tới cũng sẽ tới. Chiếc móc khóa chia đôi và chuyện tình chúng tôi cũng chỉ dừng lại bởi ba chữ: “duyên mình lỡ”. Câu chuyện buồn có lẽ dừng lại ở đây thôi.
Cách di chuyển
Ga Chungmuro, line 3 và 4, exit 2, bắt xe bus số 2,3,5 lên tháp Namsan (bạn có thể đi bộ thay vì ngồi xe bus để rèn luyện sức khỏe)
Hai Lúa Lạc Lối Ở Myeongdong.
Một thiên đường mua sắm lớn và đông đúc đến choáng ngợp. Từ những thương hiệu xa xỉ đến những thương hiệu bình dân như HM, zara, F21, Uniqlo, The Face Shop…đều quy tụ về đây. Cùng với đó là một chuỗi trung tâm thương mại miễn thuế như Lotte Department store, Lotte Young Plaza..Mình thì không phải là tín đồ mua sắm nhưng tới đây ngắm cửa hiệu, phố phường, lặng nghe nhịp sống của Seoul cũng cảm thấy thỏa nguyện rồi. Theo kinh nghiệm của bản thân mình thì bạn nên tới đây vào dịp cuối tuần, sẽ có cơ số món ăn đường phố để khiến bạn sa ngã.
Cách di chuyển
Ga Myeongdong cùng tên, exit 5,6,7,8.
Đó là câu chuyện về chuyến “xuất ngoại đầu tiên” của mình. Cảm ơn bạn đã kiên nhẫn đọc tới những dòng cuối của mình. Chuyến đi đầu còn nhiều bỡ ngỡ, còn nhiều trải nghiệm còn bỏ lỡ nhưng mong rằng những câu chữ mình chia sẻ sẽ giúp bạn có thêm nguồn cảm hứng, có thêm động lực vươn tới ước mơ về nước Hàn mà bạn hằng ấp ủ. Chúc bạn sẽ có những chuyến đi Hàn Quốc thật đẹp để thanh xuân thêm thi vị, thêm sắc màu.
Anh Tuấn – Tophomestay.vn – Lưu ý. Tại chuyên mục kinh nghiệm du lịch nội dung bài viết và hình ảnh thuộc về bản quyền của Anh Tuấn, fb/wind1124. Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Tophomestay.vn.